Sau khi phân tích về vấn đề loại bỏ các loại phí, thuế với ôtô mới để tạo điều kiện cho người dân sở hữu dễ dàng hơn, có một số ý kiến lo ngại chủ yếu như sau: tắc đường do số lượng xe quá lớn, chỗ đậu xe, tiền đâu để phát triển cơ sở hạ tầng cho các phương tiện lưu thông. Một số nhỏ cho rằng tai nạn có thể tăng tỷ lệ thuận với số lượng xe và giao thông có thể hỗn loạn do ý thức lái xe.
Trong phân tích trước đây, tôi chỉ tập trung vào lợi ích của cả nhà nước và người dân trong việc phát triển ôtô thông qua việc loại bỏ các loại phí và thuế quá cao… nên không thể nói nhiều tới vấn đề ùn tắc giao thông. Trong phân tích này, tôi xin nêu các vấn đề và giải pháp chống ùn tắc giao thông ở Việt Nam, dưới con mắt của người tham gia giao thông.
Trước hết, ai cũng nhận thấy rằng ùn tắc giao thông chỉ xảy ra ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn thể hiện sự mất cân đối trong phát triển. Tôi xin nhận xét thẳng luôn rằng, ùn tắc xảy ra không phải là lỗi của người dân, không phải do ôtô, xe máy hay xe đạp, mà là lỗi của người quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông. Người tham gia giao thông không muốn và không thể tự nhau tụ tập gây tắc đường, mà chính sự quy hoạch không hợp lý dẫn tới tình trạng đó.
Thời Pháp thuộc, địa giới hành chính được phân chia hợp lý dựa trên nhu cầu của người dân. Chẳng hạn, dân muốn gặp quan xã thì có thể đi bộ và giải quyết việc trong một buổi. Dân muốn lên huyện thì có thể đi bộ hoặc xe ngựa để giải quyết việc trong ngày.
Ở Singapore, lối đi bắt đầu từ khu chung cư bạn ở cho tới cửa xe bus đều có mái che, đảm bảo mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Ở một số thành phố trên thế giới, vỉa hè có những đoạn được lát vát với mặt đường nhằm tạo thuận lợi cho người dùng xe lăn đi lại hoặc bãi đậu xe luôn có chỗ thuận tiện để ưu tiên cho người già, tàn tật và phụ nữ có thai.
Những ví dụ tôi nêu trên nhằm thể hiện rằng, làm quy hoạch giao thông không chỉ cần có cái nhìn xa, rộng, mà còn phải rất chi tiết và nhân văn để đáp ứng nhu cầu của mọi người dân, sao cho ai cũng thấy công trình công cộng được xây dựng cho mình sử dụng.
Cách đây chừng 15 năm, nạn tắc đường đã phổ biến ở Hà Nội. Ai cũng biết rằng, số lượng người và phương tiện giao thông sẽ ngày càng tăng và góp phần làm trầm trọng hơn vấn đề. Cơ quan chức năng có 2 giải pháp để đối phó: mở rộng thêm đường và kéo giãn dân ra khu vực khác, quá trình này phải thực hiện bền bỉ và lâu dài, sau 10-15 năm mới thấy tác dụng nhưng lâu bền.
Việc mở rộng đường thì chỉ có tác dụng giải tỏa áp lực ở một số điểm tắc lớn, nhưng không có tính bền vững trong bối cảnh cả mạng lưới đường đều quá tải. Ngoài ra, mở rộng đường còn tốn kém chi phí giải phóng mặt bằng và gây xáo trộn đời sống và làm ăn của người dân trong khu vực.
Kéo giãn dân ra khu vực khác: các thành phố của chúng ta thì làm ngược lại. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, hầu như các khu vực đất trống trong nội thành đều bị sử dụng vào xây dựng nhà ở hoặc trung tâm thương mại. Cứ thêm nhà ở và TTTM là có thêm người và phương tiện được nhồi vào nội thành, tổng lượng người và xe vẫn thế, nhưng được dồn vào diện tích hẹp làm trầm trọng thêm vấn đề ùn tắc. Một số nhà máy, ví dụ như nhà máy dệt 8-3, công ty thiết bị chiếu sáng… được di dời ra khỏi nội thành và thay thế bởi các khu chung cư… Không có thêm một công trình công cộng nào như vườn hoa, công viên, trường học được xây mới trên nền các nhà máy đó. Như thế, mất cân đối không chỉ với giao thông, mà còn diễn ra đối với cả các dịch vụ y tế, giáo dục, giải trí…
Để giải quyết tắc đường, tôi cho rằng nên ngừng các hoạt động mở rộng và cơi nới đường vì rất tốn kém và không hiệu quả. Thay vào đó, hãy kéo giãn dân ra khỏi nội thành. Vấn đề là kéo giãn thế nào mà thôi. Không cần phải nghĩ nhiều, ta cứ nhìn vào nước ngoài mà học tập. Trước hết là không xây dựng nhà ở và TTTM trên nền đất các nhà máy, xí nghiệp trong nội thành, mà hãy xây công viên cho trẻ con chơi, cho thanh niên thư giãn (thay vì chỉ còn cách đi nhà nghỉ), cho người già có chỗ hít thở không khí trong lành.
Bố trí lại các khu kho bãi, hậu cần ở các vùng ngoại ô. Đây là nơi tập kết hàng hóa của các TTTM, siêu thị nằm trong nội thành. Tôi thấy rất vô lý khi chợ đầu mối Đồng Xuân cấp hàng cho các tỉnh miền Bắc lại nằm ở trung tâm của trung tâm thủ đô.
Phát triển đồng đều nhà ở, trường học, bệnh viện và các cơ sở công ích ở khu giãn dân, vì nếu không người ta sẽ phải đổ xô vào khu vực có trường học, có bệnh viện... Việc xây dựng ồ ạt toàn nhà ở tại khu vực phía Tây Hà Nội mà không kèm theo công trình nào phục vụ dân sinh là điều rất vô lý. Thay vì sử dụng hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng vài trăm mét đường đắt nhất hành tinh ở thủ đô, ta dùng tiền đó xây được vài trường học và bệnh viện ở các khu ngoại ô… thì hiệu quả giãn dân và giảm ùn tắc giao thông cao hơn nhiều.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm sinh hoạt của người dân, chỉ nên cho xây mới các siêu thị nằm trong nội thành cung cấp thực phẩm cho người dân. Còn việc mua sắm các loại hàng hóa khác thì nên khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các shopping mall và outlet ở ngoại ô. Tại các khu vực mua sắm này có đủ các gian hàng, các loại mặt hàng cần thiết cho mọi nhu cầu từ điện tử cho tới quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng,… rất tiện lợi cho cả người mua và người bán, có thể tiếp đón hàng chục nghìn người mỗi ngày.
Một ví dụ tôi thấy là Savico mall Long Biên là mô hình rất hay, và hay hơn nhiều nếu mọi người có ôtô để đi mua hàng. Bạn hãy hình dung vào cuối tuần, thay vì 2 vợ chồng phóng 2 xe máy về 2 hướng, thì cả nhà cùng lái xe tới shopping mall, sau đó vợ tha hồ la cà ở các shop quần áo, còn chồng thì đi xem đồ công nghệ ở các hàng điện tử, lúc đói thì hẹn giờ ra Mc Donald’s hoặc quán ăn nhanh nào đó. Hết buổi mua sắm thì ghé qua BigC mua thức ăn về nhà nấu nướng.
Về ý thức lái xe kém, tôi thừa nhận là ý thức của người lái ôtô và xe máy còn kém. Nhưng ý thức của dân không thể tự hình thành, mà nó cần phải dựa trên hiểu biết về luật giao thông thông qua các khóa đào tạo và sát hạch bằng lái xe.
Ý thức kém là hậu quả của hệ thống đào tạo và cấp bằng lái xe, kết hợp với hệ thống chế tài duy trì các luật lệ. Điều bất hợp lý là ôtô và xe máy cùng lưu thông trên đường, nếu có tai nạn thì ôtô còn có lớp giáp bảo vệ mà xe máy thì không, nhưng việc đào tạo và thi sát hạch bằng lái ôtô lại khó hơn xe máy nhiều lần, nếu không muốn nói là lấy bằng lái xe máy quá dễ dãi.
Cá nhân tôi cho rằng, bằng lái của chúng ta chỉ có giá trị là chứng chỉ điều khiển phương tiện giao thông, chứ chưa đủ tiêu chuẩn để tham gia giao thông. Cũng vì lẫn lộn giữa 2 điều này mà Việt Nam mới là nước duy nhất có hệ thống cấp bằng lái xe số tay và số tự động. Để đủ điều kiện tham gia giao thông, lái xe phải nắm được luật, có kỹ năng điều khiển xe và có đủ tự tin để lái xe tới địa điểm cần đến.
Tôi có người bạn thi bằng lái xe ở nước ngoài, được người bản địa khuyên nên đeo kính râm khi thi thực hành. Lý do là cho dù thí sinh hoàn thành bài thi và đạt điểm trên mức yêu cầu, giáo viên chấm thi vẫn có thể đánh trượt nếu nhận ra sự thiếu tự tin trong mắt thí sinh. Trên đường thi, giáo viên có thể kiểm định lại phần lý thuyết bằng cách đặt ra các câu hỏi tình huống và thí sinh phải trả lời đúng với lý thuyết và thực tiễn.
Một ví dụ nữa là cá nhân tôi khi học lái xe, bài khó nhất với tôi cũng như nhiều người khác lúc đó là đề-pa: dừng xe khi lên tới đỉnh dốc và đi tiếp, nếu để chết máy là trượt. Lúc đó, người hướng dẫn nêu 2 giải pháp: hoặc là phanh tay, đạp ga sao cho vòng tua khoảng 1.500 rpm, nhả côn từ từ, rồi nhà phanh tay từ từ để đi tiếp. Cách khác là cắt côn rồi phanh chân chứ không dùng phanh tay, nhanh chóng nhả phanh chân chuyển sang chân ga rồi mớm ga sao cho xe không tiến cũng không lùi, khi có hiệu lệnh thì tăng ga và đi tiếp.
Lúc đó tôi chỉ làm như máy, thực hành 2 cách xem cách nào hợp với mình chứ không hiểu tại sao lại có bài đó, và cần phải làm gì để đảm bảo an toàn… Tóm lại, việc dạy lái và cấp bằng không nên đặt mục tiêu giúp lái xe nắm được luật và biết cách điều khiển phương tiện, mà còn phải hiểu được tại sao lại phải thực hiện những quy định của luật.
Thêm chi tiết nữa mà ít ai quan tâm là việc điều phối giao thông: người dân không biết tình trạng giao thông đang xảy ra phía trước như thế nào để có biện pháp đối phó. Rất đơn giản, trên các trục đường lớn, trước các nút giao thông lớn, có thể đặt các biển điện tử thông báo tình trạng giao thông ở các điểm đó ra sao (chẳng hạn như đang tắc, hay đang lưu thông chậm, hoặc lưu thông dễ dàng) để người dân có phương án cho mình thay vì tự dò dẫm như đàn kiến leo cành đa. Rồi khi có ngăn đường tạm thời thì cũng nên đặt biển báo trước vài nút giao thông, chứ đừng nên để dân đi vào rồi mới biết đường bị chặn vì có họp hành hoặc công trường xây dựng…
Độc giả Tuanisatio Vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.